PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH CẦN THƠ
Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ, cho biết Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặt thù phát triển TP. Cần Thơ, là chủ trương, tiền đề quan trọng cho TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh và thực hiện thành công chuyển đổi số.
Theo ông Hiển, việc triển khai xây dựng thành phố thông minh là xu hướng chung của các nước trên thế giới, của các tỉnh/thành phố trong cả nước. Thời gian qua, lãnh đạo TP. Cần Thơ luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng đô thị thông minh và thực hiện chuyển đổi số.
Ngày 02/8/2021, Uỷ ban nhân dân TP. Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 1652/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định rõ lộ trình, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện và tập trung vào 10 lĩnh vực trọng điểm.
Bao gồm: Hạ tầng ICT và nền tảng dữ liệu cho đô thị thông minh; chính quyền số trong đô thị thông minh; quy hoạch đô thị thông minh; giao thông thông minh; quản lý môi trường thông minh; nông nghiệp thông minh; an ninh, an toàn trong đô thị thông minh; du lịch thông minh; y tế thông minh; và giáo dục thông minh.
Ðề án xây dựng TP. Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh được Uỷ ban nhân dân TP. Cần Thơ phê duyệt với kinh phí thực hiện 1.011 tỷ đồng. Bao gồm nguồn vốn ngân sách trên 868,4 tỷ đồng, còn là các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Lộ trình tổng thể xây dựng TP. Cần Thơ trở thành đô thị thông minh theo ba giai đoạn chính.
Giai đoạn 1 (2021 - 2022) xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và triển khai một số lĩnh vực ưu tiên như giao thông thông minh, giám sát môi trường, an ninh trật tự, du lịch thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh...
Giai đoạn 2 (2023 - 2025) mở rộng triển khai đô thị thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển đô thị thông minh.
Giai đoạn 3 với tầm nhìn đến 2030, TP. Cần Thơ trở thành một thành phố thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, tham gia vào chuỗi liên kết thành phố thông minh, là hạt nhân đầu tàu của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong chuỗi liên kết đô thị thông minh cấp quốc qua, khu vực và quốc tế.
PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG THÔNG MINH
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ cho biết, toàn thành phố hiện có hơn một triệu xe cộ các loại tham gia giao thông. Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải Cần Thơ sẽ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, điều tiết giao thông.
Trong năm 2022 này, Sở sẽ cho khởi công xây dựng Trung tâm quản lý Giao thông đô thị Thành phố, gói thầu quản lý giao thông thông minh tại 15 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn,…
Theo ông Lê Tiến Dũng, định hướng phát triển giao thông đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Cần Thơ là xây dựng các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường trục chính đô thị, đường vành đai thành phố, đường tỉnh đạt quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế, kết nối cảng hàng không, cảng biển, trung tâm logistics, các khu đô thị, khu công nghiệp, mở rộng không gian đô thị và phát triển giao thông đô thị.
Thạc sỹ Bùi Thị Hải Yến, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP HANEL, trong bài thuyết trình tại hội thảo, cho biết HANEL sẵn sàng cung cấp cho TP. Cần Thơ dịch vụ quản lý giao thông thông minh được cập nhật chi tiết theo đặc thù riêng của địa phương (đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Đây là một thành phần không thể thiếu của thành phố thông minh.
HANEl cũng đề xuất cung cấp hệ thống quản lý giao thông thông minh cho hệ thống giao thông thủy nội địa vốn là một ưu thế của Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu giao thông vận tải phục vụ nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế vùng (cấp thành phố, quận/huyện, phường/xã).
Hệ thống giao thông thông minh trên nền bản đồ số của HANEL là hệ thống quản lý giao thông với kiến trúc mở, cho phép phát triển mở rộng theo cả chiều dọc nghiệp vụ của ngành giao thông lẫn chiều ngang về quy mô hạ tầng. Hệ thống hiện kết nối với hơn 1 triệu phương tiện; truyền dữ liệu về trung tâm với tần suất 25s/lần và xử lý hàng tỷ gói thông tin với dung lượng lên tới hàng trăm GB mỗi ngày. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, 63 Sở Giao thông vận tải, hàng trăm đơn vị dịch vụ giám sát hành trình và 100% doanh nghiệp vận tải được kết nối trên nền tảng này.
Hệ thống Giao thông thông minh của HANEL đã được trao nhiều giải thưởng uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số như: Giải thưởng Chuyển đối số 2020, Giải thưởng Thành phố thông minh 2021, Giải thưởng Sao Khuê 2022, Giải thưởng Top Công nghiệp 4.0 2022.