Kính thưa Đoàn chủ tọa
Kính thưa Quốc hội
Tôi cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về Tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Tôi xin góp ý một số lĩnh vực mà tôi cho là còn hạn chế và đề xuất giải pháp cho những vấn đề đó.
Thứ nhất là: Cần đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài từ cải thiện hạ tầng logistics
Trong bối cảnh xung đột thương mại quốc tế hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn di chuyển khỏi khu vực bất lợi tìm đến những địa chỉ ổn định và thuận lợi hơn. Nước ta là một trong các địa chỉ được quan tâm nhiều nhất. Theo đánh giá của nhiều tổ chức có uy tín quốc tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện rõ rệt và có nhiều yếu tố hấp dẫn như ổn định chính trị, vị trí địa chính trị, nhưng chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài bởi một vài yếu tố, trong đó, chi phí logistics cao được xem là ảnh hưởng nhiều nhất. Theo nhiều tài liệu, chi phí logistics ở Việt Nam xấp xỉ 25% GDP, cao hơn nhiều so với Singapore (8%), Malaysia (13%) hay Thái Lan (19%). Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá, Việt Nam, với vị thế là trung tâm vận tải logistics đang phát triển thì chi phí ở mức cao như vậy đã khiến Việt Nam trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt là với các nhà đầu tư nước ngoài. Cách nhanh nhất tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các khu vực và quốc tế, kết nối các công ty Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu đồng thời giúp Việt Nam trở thành trung tâm vận tải tại khu vực ASEAN chính là việc tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông để phục vụ cho logistics. Đó cũng là yếu tố then chốt để thu hút FDI trong bối cảnh hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình
Thứ hai là: Cần giải pháp đột phá trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Theo Bộ Tài Chính, từ năm 2017 đến nay (2019), đã cổ phần hóa 35/127 doanh nghiệp theo kế hoạch (đạt 28%), số còn phải cổ phần hóa là 92 doanh nghiệp (tương ứng 72% kế hoạch). Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, trong giai đoạn này sẽ thoái vốn tại hơn 400 doanh nghiệp Nhà nước. Trong số đó, năm 2018 phải thoái vốn tại 181 doanh nghiệp, năm 2019 thoái vốn tại 62 doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2018, việc thoái vốn mới thực hiện tại 54 doanh nghiệp, những tháng đầu năm 2019 chưa có doanh nghiệp nào thực hiện thoái vốn, chưa kể 127 doanh nghiệp đọng lại từ năm 2018 đều phải khẩn trương thoái vốn. Với tiến độ rất chậm như hiện nay thì hết năm 2020, việc hoàn thành cổ phần hóa và thoái vốn theo kế hoạch của Chính phủ và thực hiện theo Nghị quyết số 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương cần phải có những giải pháp dứt điểm và quyết liệt.
Lý do chính làm cho quá trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước chững lại là việc đánh giá lợi thế quyền thuê đất. Theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP năm 2018, cơ quan có thẩm quyền xác định giá đất là UBND các tỉnh/thành phố. Các doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn đa số có đất tại nhiều tỉnh thành, quá trình các địa phương xác định giá đất kéo dài rất lâu. Vì đây là vấn đề khá nhạy cảm nên đa số các cơ quan chức năng tại các địa phương lại chờ hướng dẫn từ các bộ ngành trung ương nên thời gian càng kéo dài. Như vậy, vấn đề không phải vì doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn chậm mà vì các cơ quan chính quyền làm chậm, nhưng trách nhiệm này cũng chưa được làm rõ.
Việc chậm trễ trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước gây ra nhiều thiệt hại không nhỏ cho Nhà nước và doanh nghiệp. Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đột phá quyết liệt, triệt để, tháo gỡ nút thắt vướng mắc hiện nay trong cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước này bằng những hướng dẫn cụ thể và công khai tiến độ triển khai, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn (trước tiên là của người đứng đầu) để Quốc hội và cử tri theo dõi, giám sát.
Thứ ba là: Cần có chính sách đột phá để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp
Tìm hiểu về trạng thái và năng lực của các doanh nghiệp nước ta hiện nay cho chúng ta một bức tranh như sau:
- Số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhưng số doanh nghiệp giải thể cũng không ít. Ví dụ, theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2018, 131.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng lại có 28.254 doanh nghiệp chờ giải thể, 26.171 doanh nghiệp ngừng hoạt động.
- Trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: Lao động Việt Nam tham gia chủ yếu là lao động phổ thông (may, lắp ráp, phụ việc), tỷ trọng nội địa hóa thấp trong cơ cấu sản phẩm và phần lớn ở các chi tiết phụ.
- Trong khu vực Nhà nước: Chậm đổi mới và năng suất, hiệu quả không cao là hiện tượng phổ biến.
- Khu vực tư nhân: Năng động, sử dụng nhiều nhân công nhất nhưng người lao động có thu nhập thấp, giá trị bình quân do một lao động làm ra trong một năm thấp nhất trong cả 3 khu vực.
Bức tranh này cho thấy về căn bản, hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp còn rất hạn chế, tăng trưởng phát triển chậm, thể hiện một nền kinh tế của chúng ta còn thiếu bền vững. Do vậy, Chính phủ cần có những chính sách đột phá để các doanh nghiệp có thể phát triển một cách cơ bản vững chắc tương xứng với khu vực và quốc tế giúp nền kinh tế nước ta phát triển bền vững.
Xin cám ơn Quốc hội.
ĐBQH Nguyễn Quốc Bình