Giao thông thông minh không phải là điều quá xa vời
Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport Systems – ITS) không phải là điều gì quá mới mẻ. Ý tưởng về hệ thống này đã được khởi xướng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước tại Mỹ và các nước Châu Âu. Đến nay, mô hình này đã được áp dụng thành công tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Hệ thống giao thông thông minh là công nghệ được sử dụng để giải quyết các vấn đề của giao thông đường bộ, trong đó bao gồm việc xử lý tai nạn và ùn tắc giao thông. Về cơ bản, ITS sẽ sử dụng kết nối thông tin giữa hệ thống giao thông, phương tiện đang di chuyển và con người nhằm hình thành một mạng lưới, qua đó tối ưu việc vận hành và tham gia vào quá trình điều tiết giao thông.
Mô hình giao thông thông minh đang được triển khai tại Hàn Quốc. Ảnh: Seoul TOPIS
Để làm được điều này, các cảm biến sẽ được lắp đặt khắp nơi để thu thập thông tin về tình hình phương tiện, lưu lượng giao thông cũng như cập nhật các vấn đề thời tiết. Những thông tin này sau đó sẽ được tổng hợp lại, xử lý và gửi tới các tài xế, những người đang trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia lưu thông.
Tại các nước châu Á, Hàn Quốc chính là quốc gia đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ nhằm phát triển Hệ thống giao thông thông minh. Seoul (Hàn Quốc) được nhận định là thành phố có hệ thống giao thông thông minh tốt nhất thế giới.
Tại Seoul, chính phủ thiết lập một hệ thống vận hành giao thông có tên TOPIS. Khi truy nhập vào hệ thống này, người dân sẽ được cung cấp các thông tin liên quan đến tình trạng giao thông. Với những người đang chờ xe buýt, thông tin này bao gồm cả vị trí cụ thể của chuyến xe đang tới, thời gian dự kiến sẽ tới bến và lượng ghế còn trống trên xe là bao nhiêu.
Trung tâm điều khiển tín hiệu đèn giao thông vừa được đưa vào hoạt động năm 2014 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải
Với trường hợp của Việt Nam, chính phủ cũng đã từng bước cải thiện chất liệu điều hành giao thông bằng việc cho ra mắt nhiều trung tâm điều hành, điều tiết giao thông. Tại Hà Nội, Trung tâm điều khiển tín hiệu đèn giao thông vừa được đưa vào hoạt động năm 2014. Đây là một trong số những giải pháp nằm trong chương trình mục tiêu chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2012 -2015.
Thông qua hình ảnh được ghi lại từ hệ thống giám sát, cảnh sát giao thông có thể ra quyết định xử phạt nguội đối với những hành vi vi phạm. Ảnh: Phạm Hải
Với sự ra đời của trung tâm này, lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội có khả năng kiểm soát, điều khiển linh hoạt tất cả các nút đèn tín hiệu, tăng cường khả năng giám sát bằng hình ảnh, quan sát tình hình giao thông và phát hiện phương tiện vi phạm qua hệ thống camera giám sát.
Hệ thống camera của trung tâm điều khiển giao thông mới cũng có thể phát hiện phương tiện vi phạm rồi chụp lại biển số với hình ảnh rõ nét, thông tin đầy đủ để xử lý "phạt nguội".
Trí tuệ nhân tạo giúp Việt Nam giải quyết bài toán giao thông?
Xét một cách tổng quan, việc triển khai giai thông thông minh sẽ có 3 giai đoạn. Trong đó bao gồm việc thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu và phân phối lại chúng cho người tham gia giao thông.
Để hoạt động của hệ thống được trơn tru, sẽ cần phải có một trung tâm xử lý nhằm tổng hợp thông tin và tiến hành điều tiết. Ở giai đoạn ban đầu, những trung tâm này được điều hành chủ yếu bởi con người. Tuy vậy, với các tiến bộ của trí tuệ nhân tạo, AI sẽ được ứng dụng nhằm thay thế con người trong tương lai.
Bước đầu tiên của việc triển khai giao thông thông minh là thu thập dữ liệu về tình hình các phương tiện tham gia giao thông. Điều này được thực hiện thông qua hệ thống camera, cảm biến lắp trên các tuyến phố cũng như ngay trên chính phương tiện. Ảnh: Phạm Hải
Theo các nhà nghiên cứu, ứng dụng AI được huấn luyện tốt có thể thực hiện một số công việc với kỹ năng tương đương như con người. Tuy nhiên, AI có lợi thế hơn con người nhờ khả năng mở rộng bằng việc học liên tục không nghỉ, thậm chí là tự học mà không cần sự hướng dẫn của con người.
AI có thể phát hiện ra mẫu trong những dữ liệu phức tạp đến mức các chuyên gia cũng không nhận ra. Trong một số ứng dụng đặc thù như xử lý hình ảnh, AI đã bằng hoặc vượt khả năng của con người. Chính vì lẽ đó, khi được ứng dụng vào quá trình điều tiết giao thông, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp giảm bớt nhân công nhưng lại tăng cường khả năng xử lý dữ liệu của hệ thống.
Tại Việt Nam, UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liê quan xây dựng Đề án Giao thông thông minh trong tổng thể Đề án Thành phố thông minh, với thời hạn hoàn thành là tháng 01/2019.
Những ứng dụng quan trọng nhất trong Đề án Giao thông thông minh của Hà Nội sẽ tập trung vào việc số hóa cơ sở dữ liệu về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông; ứng dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh và điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông.
Theo lộ trình của Đề án, tháng 6/2018 sẽ ban hành bổ sung quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để đưa vào quản lý đối với xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh.
Tháng 12/2018 sẽ hoàn thành việc nghiên cứu ban hành các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, BRT, xe buýt..., giao thông thông minh bằng hình thức hợp tác công - tư nhằm phát triển nhanh, đồng bộ.
Với TP.HCM, Sở GTVT thành phố đã phối hợp cùng với một số cơ quan, đơn vị nhằm thí điểm việc triển khai hệ thống điều khiển giao thông tự động. Hiện nay, AI đã được sử dụng trong việc đếm xe, phân tích mật độ giao thông, dự báo đông xe, tắc đường, phục vụ tối ưu hoá điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư Cộng Hoà - Trường Chinh (TP.HCM).Chia sẻ với phóng viên VietNamNet, một đơn vị chuyên nghiên cứu về AI cho biết vừa nhận được đề xuất của Sở GTVT TP.HCM về phương án triển khai thí điểm nâng cấp hệ thống giao thông tự động.
Trong tương lai gần, hệ thống điều khiển giao thông tự động có thể sớm được đưa vào thí điểm trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (đoạn từ cầu Bình Lợi đến nút giao thông Phạm Văn Đồng – Nguyễn Thái Sơn). Đây là tuyến đường mới được đầu tư, với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu phù hợp cho việc thí điểm các giải pháp giao thông tự động.
Để triển khai trí tuệ nhân tạo vào việc điều hành, điều tiết hoạt động giao thông, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là về mặt chuẩn bị hành lang pháp lý. Tuy vậy, nếu ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo, đây sẽ là lời giải cho bài toán giao thông vốn ngày càng hóc búa do sự phát triển quá nóng của các phương tiện tham gia giao thông tại Việt Nam.