Sự thay đổi về tổ chức dữ liệu khi chuyển đổi số
- Thu thập từ chuyển đổi từ tín hiệu tương tự sang số
Là cách thu thập dữ liệu từ một nguồn hiện hữu nhưng ở dạng khác. Ví dụ điển hình là thu thập dữ liệu từ việc quét và nhận dạng tài liệu giấy hay dữ liệu chuyển đổi từ lời nói sang văn bản (voice to text), thậm chí là từ ý nghĩ sang tín hiệu số. Cách thu thập dữ liệu này có thể xem là thu thập bằng các IoT mềm. Chú ý là IoT cứng luôn cho dữ liệu trạng thái đang diễn ra còn IoT mềm thường cho dữ liệu chuyển từ analog sang digital như nhận dạng văn bản, hình ảnh, âm thanh,...
- Thu thập từ nguồn khác
Thu thập dữ liệu từ các mạng xã hội liên quan đến một đối tượng hay chủ đề nào đó thông qua các phần mềm tìm kiếm (như social listerning) cũng được xem là một phương pháp thu thập dữ liệu mới trong kỷ nguyên số.
“Phiên bản số” của các thực thể là khái niệm mới trong thời chuyển đổi số vì chỉ khi có những công nghệ số, đặc biệt là công nghệ IoT, phiên bản số của các thực thể mới có thể xây dựng được đầy đủ và ngày càng gần hơn so với bản thực của thực thể.
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng “giải pháp công nghệ” cũng là một dạng thực thể (phi vật thể). Trong giai đoạn phát triển hiện nay, các công nghệ cao, công nghệ mới xuất hiện và thay đổi hàng ngày. Vì vậy, ở tất cả các doanh nghiệp, việc xác định và xây dựng phiên bản số cho những giải pháp công nghệ mới phù hợp với lĩnh vực hoạt động của mình đóng vai trò rấr quan trọng. Đôi khi, với những đóng góp của công nghệ IoT, người ta có thể sáng tạo ra giải pháp công nghệ mới ngay chính trong doanh nghiệp của mình. Nội dung này sẽ được đề cập trong mục kế tiếp.
GIAI ĐOẠN 2: SÁNG TẠO CÁCH LÀM MỚI DỰA TRÊN NHỮNG KHẢ NĂNG MỚI
Bước 5. Xây dựng những quy trình sản xuất mới
Mọi sự phát triển của xã hội đều phụ thuộc vào các quy trình hoạt động đối với tổ chức hay quy trình sản xuất đối với doanh nghiệp (dưới đây gọi chung là quy trình sản xuất). Quy trình sản xuất lại phụ thuộc vào phương tiện và công cụ sản xuất, đặc biệt là phụ thuộc vào các công nghệ được áp dụng. Ngày nay, tiến bộ công nghệ phát triển nhanh đến mức buộc người ta phải thay đổi cách thức xây dựng chiến lược phát triển theo hướng: Chiến lược phát triển được dẫn dắt bởi công nghệ thay thế chiến lược phát triển được hỗ trợ bởi công nghệ (theo McKinsey).
Khởi thủy là những quy trình sản xuất thủ công. Khi CNTT phát triển, người ta tiến hành điện tử hóa (ở nước ta quen dùng cụm tử tin học hóa) quy trình thủ công nhằm tự động hóa một phần hay toàn bộ quy trình sản xuất. Như thế, dù được tin học hóa, các quy trình sản xuất được hỗ trợ bởi CNTT vẫn có gốc là quy trình sản xuất thủ công. Vì thế, nó vẫn mang theo những hạn chế nội tại của phương thức sản xuất truyền thống.
Khi chuyển đổi số. cách xây dựng quy trình sản xuất hoàn toàn thay đổi, nó không dựa vào quy trình sản xuất truyền thống (mặc dù có tham khảo) mà dựa vào phân tích trạng thái vận hành của tổ chức hay doanh nghiệp trong bối cảnh hiểu rõ hơn các cơ hội nhờ khả năng thu thập được đầy đủ dữ liệu bởi các IoT, trong đó, bao gồm cả dữ liệu về những công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Chính khả năng này làm thay đổi tất cả, tạo ra những quy trình hoàn toàn mới mà trước đó không có hoặc/và thúc đẩy, hoàn thiện những quy trình đã có.
Có 3 cấp độ xây dựng quy trình sản xuất trong doanh nghiệp.
(1). Xây dựng quy trình sản xuất hoàn toàn mới
Nhờ nắm đựợc đầy đủ dữ liệu và những dữ liệu mới mà trước đó không có, người ta có thể xây dựng những quy trình sản xuất hoàn toàn mới so với trước. Dưới đây là những ví dụ tiêu biểu:
- Uber: Nhờ các dữ liệu GPS, số điện thoại, bản đồ số,... người ta có thể triển khai dịch vụ gọi xe Uber hay Grab một cách dễ dàng và hoàn toàn khác so với sử dụng taxi truyền thống.
- Airbnb: Nhờ các dữ liệu GPS, số điện thoại, địa chỉ, giá thuê,... người ta có thể triển khai dịch vụ thuê phòng trọ ở khắp nơi.
- Trồng ngô: Nhờ các dữ liệu thu thập được về nhu cầu dinh dưỡng và nước của cây ngô (bắp) từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch (90 ngày) người ta có lập quy trình cung cấp đủ dinh dưỡng (gồm 17 dưỡng chất và khoáng đa, trung, vi lượng) và nước theo ngày tuổi của cây.
- Canh tác không cày xới: Nhờ nắm được các dữ liệu về khả năng phân giải hữu cơ của các vi sinh vật và các cơ chế cân bằng tự nhiên của các thành phần trong đất, người ta có thể thay đổi quy trình canh tác cày xới theo truyền thống sang quy trình canh tác không cầy xới mà vẫn đảm bảo đất tơi xốp và phù hợp để trồng cây.
Xây dựng quy trình hoàn toàn mới này là hướng mang tính đột phá cao nhất, Đây cũng là hướng phát triển chủ lực của cuộc CMCN 4.
(2). Xây dựng quy trình sản xuất từ phép chọn giải pháp tối ưu
Có những trường hợp, việc xây dựng quy trình để giải quyết vấn đề không quan trọng bằng khả năng lựa chọn quy trình phù hợp cho những tình huống cụ thể. Nói cách khác là có những công việc cần triển khai với nội dung không mới nhưng cách làm mới. Với sự hiện diện của các công nghệ số, nhiều công việc truyền thống bị thay đổi đến tận gốc rễ. Dưới đây là một số ví dụ điển hình.
- Thu ngân (thủ quỹ): Việc sử dụng nhân viên thu ngân có thể được thay thế hoàn toàn bằng cơ chế thanh toán điện tử (trường hợp tương tự là ghi số điện, số nước, mở van, đóng cầu dao,...).
- Kế toán, kiểm toán, thống kê, lưu trữ, thiết kế,...: Từ 75% đến 93% khối lượng công việc sẽ do máy đảm nhiệm.
(3). Nâng cấp quy trình sản xuất tự động hóa thành thông minh hóa
Đối với các doanh nghiệp đã tin học hóa, một số phần mềm đang chạy ổn định, muốn tiếp tục duy trì thì cách thực hiện trong quá trình chuyển đổi số là xác định những dữ liệu nào cần thu thập và có thể thu thập bởi các IoT để thay thế phương pháp nhập liệu truyền thống.
Theo cách này, nhà phân tích cần xác định phương pháp thu thập dữ liệu bằng các IoT để cung cấp cho phần mềm đang hoạt động thông qua các API của ứng dụng đó.
Một số ví dụ:
- Với phần mềm kế toán kho: Dữ liệu xuất/nhập kho được IoT thu thập và cung cấp thẳng thông qua API của phần mềm này.
- Tương tự đối với phần mềm quản lý nhân sự, tiền lương, quản lý khách hàng, chăm sóc hậu mãi,...
Phương pháp này không chỉ nâng cấp phần mềm hiện có mà từng bước chuyển đổi nó theo hướng thông minh dần. Điều này có thể thực hiện nhờ phân tích dữ liệu do IoT thu thập có thể phát hiện những quy luật diễn biến trong thực tế và cách giải quyết tối ưu.
Việc xây dựng quy trình do các chuyên gia chuyên ngành đảm nhiệm (họ là những người am hiểu nhất trong lĩnh vực hữu quan, biết phải làm gì và làm như thế nào trong những hoàn cành cụ thể). Có hai cấp độ chuyên gia chuyên ngành chính, tạm gọi là chuyên gia chuyên ngành cao cấp và chuyên gia chuyên ngành tại chỗ. Chuyên gia chuyên ngành cao cấp là những nhà nghiên cứu chuyên sâu và rất am hiểu về lĩnh vực của mình. Ví dụ chuyên gia AI, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới,... Chuyên gia chuyên ngành tại chỗ là người am hiểu nhất về các quy trình sản xuất tại cơ sở.
Kết quả xây dựng quy trình sản xuất mới là tạo ra các quy trình sản xuất logic. Đây là bước đi cực kỳ quan trọng bởi có được quy trình sản xuất có khả năng tích hợp được những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất của thời đại hay không, có tạo ra đột phá hay không, là ở nội dung này.
Bước 6: Xây dựng các hệ thống vật lý – số
Đây là bước quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi số. Nhiệm vụ đặt ra là từ quy trình sản xuất logic được xây dựng từ bước trên, thiết kế các hệ thống vật lý – số (cyber physical system viết tắt là CPS) nhằm hiện thực hóa quy trình sản xuất này trong thực tế theo cơ chế thông minh. Klaus Schwab xem cyber physical system là nội hàm chính của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Nhiệm vụ của các nhà cung cấp giải pháp công nghệ là cung cấp cho chuyên gia chuyên ngành công cụ để họ thực hiện việc biến quy trình sản xuất logic thành quy trình tự động (đây là điểm khác biệt hoàn toàn so với tin học hóa nơi chuyên gia CNTT đảm nhiệm việc phân tích và thiết kế hệ thống).
Hiện nay, trên thế giới, các hệ thống CPS này được thiết kế và phát triển bởi các tập đoàn công nghệ hùng mạnh và có một điểm chung là chúng đều được thiết kế dựa trên các cơ chế tự động tiêu chuẩn (ví dụ như SCADA). Ưu điểm của các hệ thống này là đáp ứng tốt các yêu cầu đề ra cho mục tiêu tự động, thông minh. Nhược điểm của chúng là giá thảnh cao và cần sự tham gia của các chuyên gia chuyên ngành IT và tự động hóa. Việt Nam có thể đi theo cách này và đảm bảo mức độ thành công cao vì đa số các nước phát triển đang đi theo lối này. Tuy nhiên, cách đi này chỉ phù hợp với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp hùng mạnh vì chi phí cao và đòi hỏi đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp.
Trong bối cảnh Việt Nam chưa hoàn thành CMCN 3, phương thức sản xuất phổ biến là thủ công bán tự động và tuyệt đại đa số doanh nghiệp (97,2%) là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cách chọn phương pháp nào có thể xây dựng được các CPS mà các chuyên gia chuyên ngành không chuyên về CNTT (non IT person) cũng có thể thực hiện được cho mục đích ứng dụng rộng rãi trong mọi mặt của đời sống xã hội là nên bàn và ủng hộ. Đó nên là cách tiếp cận riêng của Việt Nam: tự tạo ra các công cụ số của mình để thiết kế và phát triển các CPS mà không phụ thuộc vào các cơ chế phức tạp về tự động hóa định sẵn của quốc tế.
Cách tiếp cận này được diễn đạt như sau: Trong hoạt động theo cơ chế thủ công, con người tự thực hiện công việc theo quy trình đã lập (thường là trên giấy) với sự hỗ trợ của 5 giác quan mắt (quan sát), tay (thao tác), tai (lắng nghe), miệng (nói), mũi (ngửi). Mục tiêu của chuyển đổi số là chuyển những công việc do người thực hiện cho máy thực hiện tự động. Để làm việc này, cần có công cụ tiếp nhận và chuyển quy trình trên giấy thành quy trình số với cơ chế chuyển thông tin thành tín hiệu số như minh họa trong hình dưới đây.
Minh họa quá trình chuyển đổi số (Nguồn: V-SYS)
Theo mô hình này, thông tin về quy trình sản xuất trên giấy được chuyển thành tín hiệu số ghi trong bộ nhớ của hệ thống. Thông tin này được xử lý trong không gian số để điều khiển các thiết bị chấp hành như camera (mắt điện tử), micro phone (tai điện tử), loa (miệng điện tử), mô tơ (cánh tay máy). Chúng được gọi là các “giác quan số”. Tiếp cận theo hướng này, hệ điều hành dành cho IoT V-SYS và ngôn ngữ lập trình tự nhiên V- logic của Việt Nam có thể đáp ứng tột các yêu cầu thiết kế và phát triển các CPS.
Dù áp dụng bộ công cụ nào, người ta cũng phải tập trung phát triển các CPS đảm nhiệm giải quyết một hay nhiều quy trình sản xuất hoàn toàn tự động theo cơ chế thông minh. Ví dụ xe tự lái, drone giao hàng, điều khiển tự động quá trình sản xuất theo cơ chế thông minh,… Ngoài ra các CPS làm nhiệm vụ hỗ trợ con người trong hoạt động hàng ngày như các trợ lý số, hệ thống phân tích, dự báo, tổng hợp, báo cáo,… cũng được phát triển mạnh.
Thiết bị bay giao hàng tự động (Nguồn: Amazon)
Sự tham gia của các CPS trực tiếp giải quyết công việc và hỗ trợ con người làm việc hiệu quả với năng suất lao động cao hơn hẳn (từ hàng chục đến hàng trăm %) là nhân tố làm thay đổi về phương thức sản xuất của xã hội. Đây là kết quả to lớn mà con người đạt được nhờ ứng dụng các tri thức tiên tiến của thời đại vào sản xuất dựa trên nền tảng các công nghệ số và là nền tảng kiến tạo nên nền kinh tế số.
Bước 7: Triển khai vận hành
Việc triển khai ứng dụng các CPS vào thực tế ít khi diễn ra suôn sẻ ngay từ đầu. Trục trặc xảy ra thường xuất phát từ những quy trình kỹ thuật chạy chưa khớp và sự phản ứng tự nhiên của những người trong cuộc khi có sự thay đổi. Khi những trục trặc kỹ thuật được khắc phục thì những trục trặc về tổ chức cũng giảm dần nhưng không nhanh vì sức ỳ quán tính (thói quen làm việc truyền thống).
Chuyển đổi số là quá trình tiến hóa, phát triển dần và không có điểm dừng. Bởi vậy, chính các CPS cũng dần thay đổi, được nâng cấp theo thời gian và sự xuất hiện của các giải pháp công nghệ mới. Việc nâng cấp các CPS diễn ra khá đơn giản bằng cách định nghĩa lại quy trình sản xuất bao hàm các yếu tố mới, hệ thống sẽ tự tiếp thu theo cơ chế học máy và học sâu, làm cho các CPS chuyển đổi, trưởng thành lên những nấc thang tiến hoá số cao hơn, thông minh hơn. Đó cũng là một đặc điểm khác biệt so với tin học hóa truuyền thống.
Công nghệ thay đổi mỗi ngày, ngày càng hoàn thiện và phong phú hơn. Đến một lúc, người ta có thể mô phỏng mọi quy trình trong không gian số để hệ thống tự động chọn ra quy trình tốt nhất ứng dụng vào thực tế. Với cơ chế này, người ta tiến dần tới việc chủ động chuẩn hóa từng quy trình sao cho chúng có thể hoạt động tối ưu trong những tình huống cụ thể.
Bước 8. Tích hợp hệ thống
Các CSP được xậy dựng trong hệ thống thực chất là các modules chức năng được phát triển trên nền tảng số. Thông qua các mối quan hệ đã được xác định giữa các thực thể và dựa vào các dữ liệu liên kết, người ta có thể tích hợp các CPS vào một hệ thống chung thống nhất.
Tính từ thời điểm các CPS chính thức đi vào hoạt động, doanh nghiệp bắt đầu thực sự dấn thân vào quá trình chuyển đổi số. Tỷ trọng các CPS tham gia giải quyết các công việc trên tổng số khối lượng công việc mà doanh nghiệp cần thực hiện càng cao thì mức trưởng thành số của doanh nghiệp càng cao. Ở mức trưởng thành số cao, hệ thống không chỉ phối hợp tốt giữa các CPS trong hoạt động hàng ngày mà còn có khả năng kết nối với các hệ thống bên ngoài, phân tích dữ liệu về xu hướng phát triển của thị trường, xác định các quy luật vận động có liên quan để xây dựng và điều chỉnh những kế hoạch hành động tốt nhất cho doanh nghiệp.
Thực tế ở các quốc gia Mỹ, EU, Nhật Bản cho thấy khi các CPS đảm nhiệm từ 70% khối lượng công việc trở lên (hay GDP do các CPS tạo ra chiếm 70% tổng GDP của doanh nghiệp trở lên) thì doanh nghiệp đó được gọi là doanh nghiệp số.
GIAI ĐOẠN 3: CHUYỂN ĐỔI SANG PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT MỚI VÀ HOÀN THIỆN
Bước 9: Chuyển đổi toàn diện
Ngay từ khi bắt đầu chuyển đổi số, người ta đã cảm nhận được những thay đổi trong cách thức triển khai công việc. Những thay đổi đó lớn dần theo mức độ máy thay thế người trong thực hiện công việc, bắt đầu từ những việc nặng nhọc, nguy hiểm hay những việc lặp đi lặp lại tẻ nhạt. Sự thay đổi này chắc chắn dẫn đến việc thay đổi cấu trúc tổ chức của doanh nghiệp và đây là một trong những vấn đề lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số dẫn đến sử dụng số lượng lao động ít hơn, cách thức giải quyết công việc thay đổi nên buộc doanh nghiệp phải thay đổi cả cấu trúc tổ chức (cơ cấu lại các bộ phận) lẫn quy chế hoạt động (quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ phận, từng cá nhân).
Tuy nhiên, là quá trình tất yếu nên nhanh hay chậm thì chuyển đổi số vẫn diễn ra, buộc người ta phải thích nghi với nó và trưởng thành theo nó. Trong quá trình đó, số lượng lao động được đào tạo và có kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số, sẽ tăng lên dần trong khi số lượng lao động phổ thông sẽ giảm dần.
Chuyển đổi số làm thay đổi tất cả: từ chiến lược phát triển của doanh nghiệp, cấu trúc tổ chức, hạ tầng kỹ thuật, năng lực và cách thức làm việc của con người đến văn hóa ứng xử trong nội bộ và với xã hội, tập quán sống, làm việc, học tập của những người tham gia và cả phong cách hoạt động, văn hóa của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế số hình thành nét văn hóa kinh doanh hoàn toàn mới. Đó là vai trò trung tâm của người tiêu dùng với tinh thần “Người tiêu dùng phải là người được hưởng lợi nhiều nhất, các nhà cung cấp tìm kiếm lợi nhuận trong phần còn lại”. Văn hóa kinh doanh này chi phối sâu sắc mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Sự chuyển đổi sẽ diễn ra từng ngày, có thể nhanh hay chậm nhưng chắc chắn sẽ diễn ra. Ở đó, doanh nghiệp đi trước sẽ chiếm được ưu thế.
Bước 10: Trưởng thành số
Như đã đầ cập, có 2 dạng CPS được phát triển và ứng dụng trong doanh nghiệp. Một là các CPS hoạt động tự động hoàn toàn theo cơ chế thông minh và các CPS hỗ trợ hoạt động của con người trong doanh nghiệp một cách thông minh. Trong đa số các trường hợp, các CPS thứ hai sẽ được phát triển và đi vào phục vụ trước vì chúng có vai trò hỗ trợ (trợ lý số, tiếp tân số, thủ kho số,...) nên người ta dễ làm quen và tự thay đổi. Loại CPS thứ nhất thường xuất hiện chậm hơn, tuy nhiên, chúng mới là các nhân vật chính của công cuộc chuyển đổi số.
Tỷ trọng của các CPS (tính theo khối lượng công việc mà các CPS này đảm nhiệm hay tác động trên tổng khối lượng công việc của doanh nghiệp) tăng dần cả về số lượng và chất lượng. Người ta gọi đó là mức độ trưởng thành số của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp trưởng thành số nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, nhận thức đúng, chọn đúng phương pháp thực hiện và nắm bắt được những cơ hội có ý nghĩa quyết định.
Chuyển đổi số làm thay đổi toàn diện cả xã hội (Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết)
Kết luận
Chuyển đổi số là quá trình tiến hóa của nhân loại từ phương thức sản xuất tự động hóa sang phương thức sản xuất thông minh hóa nhờ những tiến bộ vượt trội của công nghệ số và các công nghệ cao khác trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ở nước ta, do có điểm xuất phát thấp, phương thức sản xuất phổ biến là thủ công – bán tự động. Vì vậy, khi chuyển sang phương thức sản xuất thông minh, chúng ta cần cách đi riêng. Trong thực tế, có thể tiến độ chuyển đổi sẽ không nhanh vì còn phụ thuộc vào quá trình nhận thức, đặc biệt là phụ thuộc vào độ chín công nghệ của lực lượng chuyên gia chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với phương pháp triển khai theo 10 bước nêu trên và với những công cụ hiện có do chính chúng ta tạo ra, việc tới đích là chắc chắn.