Theo ông Trần Dũng- Giám đốc cao cấp Cisco System, kinh nghiệm để xây dựng được mô hình và lộ trình hình thành Chính phủ điện tử tại Việt Nam là phải hình dung được một mục tiêu tổng thể của Chính phủ điện tử nhưng bước đi thì từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn. Và một trung tâm dữ liệu hợp nhất sẽ đóng vai trò như cơ quan đầu não của Chính phủ điện tử.
Cũng theo kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử tại Đức, ông Boockhagen- Giám đốc điều hành IKS (một công ty của Đức chuyên hoạt động trong các lĩnh vực: giải pháp truyền thông và an ninh, trung tâm dữ liệu, cổng thông tin Chính phủ và doanh nghiệp, các giải pháp quản lý dự án trong doanh nghiệp) cho biết, Chính phủ Đức vẫn đang tiếp tục giải quyết một số hậu quả của việc để cho các địa phương tự xây dựng giải pháp triển khai Chính phủ điện tử dẫn đến thiếu đồng nhất khi triển khai trên toàn quốc.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nói: "Để xây dựng được mô hình Chính phủ điện tử của Việt Nam, cần tiếp tục rút kinh nghiệm từ đề án 112 cũng như kinh nghiệm triển khai của các nước đi trước, do đó chúng tôi sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp của các chuyên gia nước ngoài".