Bà Bùi Thị Hải Yến – Phó Chủ tịch HBA, Tổng Giám đốc Công ty Hanel
Nếu như các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho doanh nghiệp (DN) được triển khai sớm thì DN mới vượt qua giai đoạn “hấp hối” này. Còn nếu triển khai quá chậm, để đến khi doanh nghiệp “chết hẳn” mới được “cấp cứu” thì DN không thể “hồi sinh” được nữa. Đó là ý kiến của Anh hùng Lao động Ninh Thị Ty - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội (HBA), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Chiến Thắng tại hội nghị Hội đồng TW các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam trực tuyến lần thứ II do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 15/4.
Hội nghị diễn ra nhằm tiếp tục thu thập ý kiến, đề xuất từ DN bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Đất nước đang đứng trước 2 cuộc chiến
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, đất nước ta đang đứng trước 2 cuộc chiến: cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 và cuộc chiến để vực dậy nền kinh tế. Trên mặt trận thứ nhất những người thầy thuốc, các bác sĩ, lực lượng công tác trong lĩnh vực y tế là những tuyến đầu. Trong mặt trận thứ hai để bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ cuộc sống của nhân dân thì doanh nhân là chiến sĩ.
“Chống đại dịch, duy trì tăng trưởng không phải là lựa chọn một trong hai mà phải có sự kết hợp hài hoà hai trong một. Chúng ta không có sự lựa chọn, chỉ có sự kết hợp giữa chống dịch để bảo vệ nền kinh tế” – TS Vũ Tiến Lộc nhận định.
Người đứng đầu cộng đồng DN cũng cho rằng, cũng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, Việt Nam là một trong số rất ít nền kinh tế trên thế giới đã kiềm chế thành công sự lây lan của dịch bệnh, có điều kiện để tái khởi động nền kinh tế, để duy trì sự tăng trưởng, đưa đất nước phát triển. VCCI đã kiến nghị với Chính phủ về vấn đề không lơ là, chủ quan khinh địch nhưng chính sách của chúng ta là không chỉ phòng vệ mà chúng ta phải tiến công. Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta có thể nới lỏng từng bước trong biện pháp cách ly chuyển sang trạng thái giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau. “Chúng ta phải chung sống với Covid-19 và kinh doanh an toàn để tái khởi động nền kinh tế, bảo vệ nền kinh tế quốc gia, bảo vệ cuộc sống của nhân dân” – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại đầu cầu HBA
Chủ tịch VCCI một lần nữa nhấn mạnh: “Do tình trạng nguy ngập của các DN hiện nay, VCCI đề nghị phát động chiến dịch hè thu 2020, bắt đầu tái khởi động nền kinh tế quốc gia và đây chính là thời gian vàng để phục hồi nền kinh tế Việt Nam”.
Lãnh đạo VCCI cũng cho biết, VCCI đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ ngành khác để chuẩn bị cho hội nghị của Thủ tướng Chính phủ dự kiến tổ chức vào cuối tháng 4/2020 với chủ đề: “Tái khởi động nền kinh tế”. Mục tiêu của Hội nghị là tiếp tục quán triệt và triển khai sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chính quyền các cấp, các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra rất phức tạp trên phạm vi toàn cầu như hiện nay.
Ông Lộc cũng đánh giá cao vai trò của các Hiệp hội DN. Chủ tịch VCCI cho rằng trong bối cảnh khi nền kinh tế có thể tái khởi động để triển khai các gói giải pháp tới địa phương thì các cơ quan có liên quan, các ngân hàng thương mại, các cơ quan thuế…sẽ phối hợp với các HH DN. HH DN sẽ là tổ chức thích hợp để giúp DN kết nối với các DN và thúc đẩy tích cực các gói giải pháp cũng như kiểm tra, giám sát các gói giải pháp này.
Chính sách triển khai chậm, DN không thể “hồi sinh”
Có mặt tại hội nghị trực tuyến, đa số các doanh nghiệp đều đánh giá cao chủ trương của Chính phủ với gói hỗ trợ 180.000 tỷ đồng, cũng như gói tín dụng ưu đãi và cơ cấu lại nợ…Tuy nhiên bà Ninh Thị Ty – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HN (HBA), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Chiến Thắng cho rằng, các doanh nghiệp đang trong cơn hấp hối, nếu như các gói hỗ trợ này được triển khai sớm, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này mới có khả năng sống tiếp được. Còn trong cơn hấp hối mà các chính sách triển khai quá chậm, để đến khi doanh nghiệp “chết hẳn” mới được “cấp cứu” thì không thể “hồi sinh” được nữa.
Anh hùng Lao động Ninh Thị Ty - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội (HBA), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hồ Gươm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Chiến Thắng
“Do đó tôi mong muốn tất cả các chính sách Nhà nước như giãn nợ, khoanh nợ, hạ lãi suất và tăng hạn mức tín dụng… cho các doanh nghiệp sớm được triển khai để khó khăn của doanh nghiệp được tháo gỡ sớm ngày nào hay ngày đó” – Phó Chủ tịch HBA Ninh Thị Ty bày tỏ.
Kiến nghị khía cạnh khác, – Phó Chủ tịch HBA, Tổng Giám đốc Công ty Hanel cho rằng, các doanh nghiệp trong các KCN, KKT có nhiều đóng góp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước chiếm tới 59% trong năm 2019 (tăng khoảng 11% so với năm 2018); nộp ngân sách nhà nước (NSNN) gần 130 nghìn tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018); tạo việc làm cho gần 3,85 triệu lao động trực tiếp. Do đó, nếu giữ được các KCN hoạt động ổn định và an toàn trong tình hình diễn biến của dịch bệnh là phần nào giải quyết được các vấn đề an sinh xã hội và bài toán kinh tế. Nhưng bên cạnh đó, đây lại là một môi trường được đánh giá có nguy cơ rất cao về khả năng lây nhiễm. Và thực tế đã xảy ra tại Bắc Ninh khi mới đây có một ca nhiễm Covid-19 là công nhân làm tại nhà máy Samsung.
Chính vì thế bà Yến cho rằng, chúng ta cần phải có những biện pháp phòng chống cụ thể, chuẩn xác và quyết liệt để tránh xảy ra những việc tương tự vì chỉ cần một DN có mầm bệnh lây nhiễm dẫn đến đóng cửa nhà máy và có thể phải cách ly cả một KCN và các khu dân cư có người lao động sinh sống xung quanh đó. Khi đó sẽ là một tổn thất về kinh tế không chỉ cho một DN, không chỉ cho một KCN mà nó còn đồng nghĩa sẽ tạo gánh nặng lên nhà nước trong các chi phí và hoạt động chống dịch bệnh.
Trước bối cảnh đó, Phó chủ tịch HBA đề xuất, thứ nhất, cần xác định các doanh nghiệp quản lý khu công nghiệp và các DN hoạt động trong các KCN là các doanh nghiệp có nguy cơ rủi ro cao và cần sự hỗ trợ của Chính phủ.
Thứ hai, Chính phủ nên có những trao đổi riêng với các doanh nghiệp này để cùng thống nhất những ưu đãi hỗ trợ cho những doanh nghiệp quản lý khu công nghiệp.
Thứ ba, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Chính phủ cần có thêm các hướng dẫn, bộ quy tắc trong việc phòng chống dịch và bộ quy tắc hành động khi DN có người nhiễm giành cho khối DN quản lý KCN và DN hoạt động trong KCN, KKT. Việc ban hành bộ quy tắc hành động này sẽ nhằm thống nhất và dễ đánh giá việc kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh từ nhóm này. Và vì có bộ quy tắc hành động này sẽ tiết kiệm thời gian, nguồn lực cho các DN khi phải tự xây dựng nên một quy tắc cho DN mình….