Sau đó, cùng với các doanh nghiệp điện tử khác, Hanel cũng gặp khó khăn lớn, rơi vào cuộc khủng hoảng của ngành điện tử, có lúc đã bị đình trệ, làm ăn không có lãi, công nhân chậm lương, nhất là chưa tìm ra được hướng đi phù hợp để vươn lên trong tình hình mới.
Một doanh nghiệp nếu muốn đứng vững và phát triển bền vững thì điều quan trọng số một là phải có một định hướng chiến lược, mục tiêu rõ ràng, những bước đi vững chắc. Tổng Giám đốc Hanel Nguyễn Quốc Bình đã tìm ra cách chuyển hướng sản xuất kịp thời. Ðó là, xây dựng cơ cấu ngành hàng, củng cố lại bộ máy công ty và các đơn vị thành viên; xây dựng thị trường trong nước, quốc tế; đặc biệt là cơ cấu lại vốn đầu tư trong các lĩnh vực kinh doanh chính. Công ty xác định, các dự án sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm gia dụng mà cả công nghệ thông tin, phần mềm, những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, mang đặc thù kinh tế tri thức. Lĩnh vực tin học, viễn thông, công nghệ mạng, công nghệ thông tin... được chú trọng hàng đầu và đã có những bước đi vững chắc. Hanel cũng từng bước mở rộng sự hợp tác với các tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ để trở thành một "khâu" trong sản xuất, lưu thông quốc tế, một điều rất cần để có thể cạnh tranh thị trường thắng lợi.
Ðội ngũ cán bộ quản lý, khoa học có trình độ, tâm huyết đã được quy tụ và trở thành một tập thể đoàn kết, vững mạnh cùng quyết tâm thực hiện mô hình đã lựa chọn. Chỉ trong vòng gần hai năm, năm 2008, Hanel đã đạt doanh thu 761 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 160 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 37,6 triệu USD, tăng hơn 40% về doanh thu và kim ngạch xuất khẩu.
Trần Nguyễn - Theo báo nhân dân