|
Hôm nay, ngày 18/3/2017, tại Hà Nội, đã diễn ra Đại hội thành lập Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Sự ra đời của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là một kết quả quan trọng của dự án “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng đến thị trường châu Âu” trong khuôn khổ dự án “EU-MUTRAP” do Liên minh châu Âu tài trợ, được Trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương thực hiện trong 3 năm từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2017.
Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (viết tắt là VASI) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các tổ chức, công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ theo quy định của pháp luật Việt Nam, tự nguyện thành lập nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương.
Có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng và đặt trụ sở tại Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hoạt động trên phạm vi cả nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hoặc có liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, sự quản lý về phạm vi, lĩnh vực hoạt động chuyên môn chính của Bộ Công Thương và bộ ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội.
Cũng tại phiên Đại hội thành lập diễn ra sáng nay, bên cạnh việc góp ý cho dự thảo Điều lệ và phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong thời gian tới, đại hội đã bầu Ban chấp hành Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam gồm 32 thành viên. Ban chấp hành đã họp bầu Ban thường vụ và thống nhất các chức danh lãnh đạo của Hiệp hội. Theo đó, ông Lê Dương Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Chủ tịch; Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Bộ Công Thương) là Phó Chủ tịch thường trực và bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc SIDEC là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội.
Bên cạnh đó, Ban chấp hành Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn có 6 Phó Chủ tịch khác gồm Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hanel Nguyễn Quốc Bình; Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí điện TP.HCM, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Điện tử Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương; Tổng giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương; Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ TP.Hà Nội Nguyễn Hoàng; Giám đốc Công ty TNHH cơ khí chính xác, dịch vụ và thương mại Việt Nam (VPMS) Nguyễn Xuân Huy.
Tám thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội gồm có các ông, bà: Lưu Hoàng Long, Tổng giám đốc Tổng công ty điện tử tin học Việt Nam (Viettronics); Nguyễn Mạnh Quân, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; Trần Thị Hường, nguyên Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Châu Minh Nguyện, nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai; Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Dũng; Nguyễn Vân, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển xây dựng Hà Nội Mới; và Lưu Hải Minh, Chủ tịch Công ty OIC Nano Technology.
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Lê Dương Quang cho biết, ngay sau đại hội, Ban chấp hành sẽ họp phân công trách nhiệm cụ thể, mảng công việc phụ trách của từng Phó Chủ tịch Hiệp hội. Đồng thời, chúng tôi sẽ xây dựng một chương trình công tác, nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm trước mắt cũng như lâu dài của Hiệp hội. Chũng tôi cũng sẽ thay mặt Hiệp hội để hoàn chỉnh các văn bản trình lên Bộ Nội vụ, các cơ quan nhà nước để sớm có quyết định phê duyệt Điều lệ làm cơ sở hoạt động của Hiệp hội”, ông Lê Dương Quang cho hay.
Vân Anh